Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Quảng bá thế nào để mở rộng thị trường du lịch Việt Nam?

Tôi lang thang và tìm hiểu về thị trường tiếp thị Việt Nam thấy có rất nhiều vấn đề bức xúc, đặc biệt là trong việc mở rộng thị trường du lịch. Tại sao Việt Nam là một nước hiện là một trong những nước ít bị nền văn minh công nghiệp tàn phá nhất, là một đất nước có rất nhiều truyền thuyết vừa thiêng liêng vừa bí ẩn, là đất nước có nhiều danh thắng thiên nhiên vẫn còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ đặc trưng của một đất nước miền nhiệt đới, ... nhưng lại có vẻ khá "chậm bước" trong việc thu hút các khách du lịch viếng thăm. Thu hút được đông đảo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới, chưa tính đến khoản doanh thu khổng lồ hàng năm thu về cho các doanh nghiệp và quỹ quốc gia mà tôi mới chỉ nói đến mặt giao lưu văn hoá, thì thu hút khách du lịch cũng chính là cách để các nước bạn trên thế giới biết đến Việt Nam cũng như con người nhiều hơn và cũng tạo cho chúng ta cơ hội để trao đổi và học hỏi. Đến khi đọc bài viết của tác giả Minh Lễ thì những bức xúc của tôi đã được giải đáp phần nào.

Quảng bá và tiếp thị du lịch Việt Nam- Đến “nói hay” cũng chưa làm được.


Mặc cho các quan chức của Tổng cục Du lịch Việt Nam luôn nói đến việc Việt Nam ngày càng được các khách quốc tế quan tâm, để ý, và việc quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới đang được làm rất tốt, sự thực vẫn ngược lại như vậy. Nói thẳng ra, công việc quảng bá du lịch Việt Nam, từ khâu ý tưởng, thực hiện đến mở rộng chào hàng ra thế giới đều chưa xứng tầm với sự kì vọng và khả năng mà chúng ta có thể làm được. Mặt khác, có bột mới gột nên hồ, khi mà ngay chính cơ sở hạ tầng dành cho du lịch còn thiếu, còn mạnh địa phương nào thì nơi đó làm, đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu tính chuyên nghiệp, thì việc quảng bá, dù cho hay đến mấy, cũng chỉ thừa, nếu không muốn nói là sẽ còn phản tác dụng. Các cụ vẫn chê những người “nói hay mà làm dở”, nhưng chúng ta, đến “nói hay” cũng chưa làm được.

Các bạn hãy để ý, gần đây liên tiếp những lễ hội, những festival được tổ chức khắp mọi nơi, những chương trình “Năm du lịch” đang diễn ra như một hội chứng ở khắp các tỉnh thành phố Việt Nam. Nếu chỉ nhìn vào tính hoành tráng của các buổi khai mạc được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình trung ương, chắc hẳn nhiều người không khỏi mừng vui cho du lịch nước nhà. Nhưng có bao giờ nhà đài phản ánh cái không khí sau ngày khai mạc? Có cơ quan, tổ chức nào thống kê xem có bao nhiêu lượng khách du lịch nước ngoài đến với Việt Nam thông qua những sự kiện này? Có ai đặt câu hỏi: liệu rằng những chương trình như thế có thực sự đánh trúng tâm lý, thị hiếu du khách nước ngoài không? Có bao nhiêu công ty, tổ chức lữ hành trong và ngoài nước được thông báo đầy đủ về chương trình của các sự kiện như vậy, được hướng dẫn đầy đủ về ý nghĩa và tính hấp dẫn của chúng, hay chỉ là những thông báo chung chung theo kiểu: Có sự kiện này, năm du lịch ở nơi này, muốn biết thì đến rồi sẽ rõ? Và rồi hầu như tất cả đều rơi vào tình hình đa số chung của Việt Nam: đầu voi đuôi chuột.

Du lịch Việt Nam cần được phát triển có phối hợp.

Những điều này càng chứng tỏ tính thiếu thống nhất và một chiến lược rõ ràng, sự phối hợp của các tỉnh, thành phố nhằm tạo ra một mạng lưới du lịch chặt chẽ, tạo ra một bộ mặt du lịch của cả quốc gia. Dễ thấy tỉnh nào có thế mạnh gì thì làm du lịch, còn mặc kệ tỉnh khác, hoặc giả thấy tỉnh khác làm, tỉnh mình cũng không thể thua kém. Con gà tức nhau tiếng gáy. Nhưng hoàn toàn là ăn xổi, mà không hề đầu tư có tính toán, hỏi ý kiến của các chuyên gia hoạch định du lịch, các công ty lữ hành có kinh nghiệm, nên cuối cùng, chỉ bùng lên rồi lại nhanh chóng tắt, hoặc nếu không tắt thì cũng chỉ là sáng le lói. Câu chuyện còn đó: rừng Phong Nha, Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, lập tức tỉnh Quảng Bình ra sức quảng bá du lịch, dân cư nơi đây vội vã vay tiền mua thuyền tính chở khách đi chơi núi non sông nước. Nhưng làm một mà không tính hai, ba - không xây dựng khách sạn, không phát triển giao thông, không cơ sở vật chất phục vụ khách, khách lấy gì để nghỉ ngơi mà thăm thú. Vậy là được ít lâu, tới giờ cực kì ít khách đi thuyền, thuyền đắp chiếu, món nợ ngân hàng thì còn đó, lấy đâu trả. Quê toàn dân nghèo, cũng vì miếng cơm manh áo mà làm du lịch, những tưởng đổi đời. Tỉnh khuyến khích làm, vì chèo thuyền chở khách phải đóng thuế, tỉnh có thêm thu nhập, nhưng không có kế hoạch, không có chiến lược mà hướng dẫn dân làm, và bây giờ thì bỏ rơi. Tỉnh nghèo, dân nghèo, ánh sáng thay đổi vừa loé lên đã vụt tắt nhanh chóng. Buồn!

Những gian hàng du lịch Việt Nam hàng năm ở các hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Đức, Pháp, Anh, Mỹ, lần nào cũng vậy: bé nhỏ, lại thường nằm trong các góc kẹt vì đăng kí trễ (lí do - thiếu kinh phí), trang trí sơ sài và nghèo nàn, ít có gì thay đổi. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ áo dài, nón lá, hoặc nếu không thì áo tứ thân, nón quai thao quan họ, nếu không phải âm nhạc từ đàn bầu, đàn t’rưng thì cũng lại là nhã nhạc cung đình Huế. Chẳng lẽ hàng ngàn năm văn hoá của đất nước, của mọi vùng miền trên Việt Nam chỉ quanh quẩn như vậy? Và thế là, hầu như gian hàng của Việt Nam không gây được sự chú ý đặc biệt của báo giới và công chúng nước ngoài. Có cảm giác như chúng ta tham dự gọi là góp mặt cho đủ, cho có, còn làm được đến đâu thì kệ. Chẳng lẽ mãi mãi chúng ta cứ đổ cho lí do thiếu tiền, thiếu thời gian chuẩn bị, thiếu người thực hiện... chẳng lẽ mãi mãi chúng ta cứ bằng lòng với tư cách quan sát viên, tham dự với mục đích học hỏi?

Du lịch Việt Nam cần được tiếp thị hiệu quả hơn.

Công bằng mà nhận xét, mỗi năm qua, chúng ta đều có sự tiến bộ, nhưng là tiến bộ so với chính mình, và trong khi ta tiến bộ 1, bạn bè tiến bộ 2, 3. Chúng ta chưa có được một bước tiến mang tính mạnh mẽ và đột phá, gây một ấn tượng ngoạn mục cho các công ty lữ hành lớn trên thế giới, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo.

Nếu để ý kĩ một chút, các bạn sẽ thấy slogan quảng bá du lịch Việt Nam đang sử dụng: “Vietnam – the hidden charm”, có nghĩa là “Việt Nam, sự quyến rũ/vẻ đẹp tiềm ẩn”, phản ánh cực chính xác thực trạng du lịch nước nhà hiện nay. Việt Nam đẹp như một cô gái hấp dẫn – rõ rồi, nhưng thời nay, một cô gái đẹp phải phô bày vẻ đẹp của rmình ra ngoài thì các chàng trai mới biết mà tìm đến ngỏ lời. Chứ cô gái dù đẹp đến mấy mà cứ ru rú trong nhà, hay quàng khăn che mạng kín mít thì có nói đến 1000 lần là “Tôi rất đẹp” cũng chả mấy ai tin, mấy ai để ý vì có ai biết cô ấy đẹp thế nào đâu? Đừng có nghĩ rằng cứ đến khám phá đi rồi sẽ biết tôi đẹp thế nào. Thời buổi công nghiệp, từng phút như vàng, không có ấn tượng đầu tiên tốt, rất khó để người ta mất thêm thời gian tìm hiểu. Vậy thì chúng ta còn khiêm tốn đến bao giờ? Trong kinh doanh, chỉ có chuyện thắng thua, được mất, không có chỗ cho sự nhường nhịn, khiêm tốn. Làm như thế, chỉ tự hại mình, và quả thực chúng ta đang lãnh chịu hậu quả từ cái tư duy Á Đông lỗi thời như thế.

Chiến lược không chỉ là logo và quảng cáo.

Tôi nhìn vào các logo và slogan của các nước khác mà tôi thèm, họ tự tin quá: Malaysia - Truly Asia (Malaysia thật sự Châu Á), Uniquely Singapore (Độc đáo duy nhất Singapore), Incredible India (Kinh ngạc Ấn Độ) ... Giữa một loạt các slogan ấn tượng như thế, Việt Nam mất hút và nhàn nhạt trong mắt du khách nước ngoài (đó là tôi còn không muốn nói đến cái slogan và logo cực kì “củ chuối” trong quãng thời gian 2004-2005 mà đã bị đài báo, người dân và các công ty du lịch trong nước kịch liệt phản đối, chê bai)

Tóm lại: Việc quảng bá du lịch không phải chỉ là cứ vận động tổ chức những cuộc thi sáng tác logo, slogan rầm rộ trong cả nước, rồi chọn ra một mẫu mà đem trưng ra với thế giới, còn lại thì muốn ra sao thì ra. Cái điều trọng yếu nhất, phải bắt đầu từ câu hỏi nền tảng: cái gì phải nổi bật và đặc trưng riêng cho quốc gia? Thế mạnh của chúng ta ở chỗ nào trong so sánh với các nước khác? Phải tìm hiểu cho được thị hiếu và yêu cầu của khách nước ngoài, rồi trên cơ sở đó mà điều chỉnh những cái chúng ta có sẵn mà đem quảng bá cho khách. Nên nhớ đằng sau cái slogan và logo kia là cả một nền công nghiệp khổng lồ trị giá hàng tỉ đôla mỗi năm, chứ không phải chỉ là một cái hình vẽ hay câu khẩu hiệu mà muốn làm thế nào thì làm.

Tiếp thị du lịch Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn cũng phải được trưng bày cho đúng cách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét